8 loại tương tác thuốc nguy hiểm cần lưu ý
Trong điều trị các bệnh lý phối hợp, tương tác thuốc là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Việc phối hợp thuốc không đúng có thể làm xuất hiện độc tính, phản ứng có hại, gây thất bại trong điều trị, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, chúng ta cần nắm được một số cặp tương tác thuốc nguy hiểm. Từ đó, biết cách dùng thuốc sao cho đúng và hiệu quả nhất. Dưới đây là 8 loại tương tác thuốc thường gặp nhất mà thuocsi.vn muốn thông tin đến bạn.
1. Thuốc chẹn kênh Calci và kháng sinh Clarithromycin
Clarithromycin có thể làm tăng nồng độ một số thuốc thuộc Nhóm chẹn kênh Calci trong máu như Amlodipin, Felodipine, Nifedipine, … Vậy nên khi sử dụng hai loại thuốc này cùng lúc, khả năng cao sẽ xảy ra tương tác thuốc bất lợi trên cơ thể người bệnh, làm xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, cơ thể bị phù do giữ nước, suy tim và hạ huyết áp trầm trọng.
Cách xử trí: Đổi thuốc, hoặc cần điều chỉnh liều lượng và theo dõi thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ.
2. Trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) và Thuốc trị tăng huyết áp
Sử dụng Trimethoprim cùng với các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEIs) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) có thể làm tăng nồng độ Kali trong máu. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận, mất nước, tê liệt cơ, nhịp tim không đều và ngừng tim. Tỉ lệ gặp phải biến chứng này sẽ tăng cao ở người cao tuổi, người mắc bệnh Thận, Đái tháo đường hoặc Suy tim tiến triển.
Vì vậy, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh có dấu hiệu buồn nôn, nôn mửa, suy nhược, lú lẫn, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân, cảm giác nặng nề ở chân, mạch đập yếu, nhịp tim chậm hoặc không đều. Đây có thể là các triệu chứng của tăng kali máu.
Cách xử trí: Tránh phối hợp 2 thuốc với nhau, hoặc cần điều chỉnh liều lượng và theo dõi nồng độ Kali trong máu thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
3. Nhóm NSAIDS và thuốc điều trị tăng huyết áp
NSAID là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị các cơn đau, viêm, sưng,… nhưng lại có tác dụng phụ làm tăng sức bền cơ trơn động mạch thận và gây tác dụng giữ muối, nước, từ đó làm tăng huyết áp. Vì vậy, việc sử dụng NSAID cùng với thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ làm giảm hiệu quả của một số thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng (như ACEIs và ARBs).
Ngoài ra, việc kết hợp nhóm NSAIDS và thuốc điều trị tăng huyết áp với nhau có thể ảnh hưởng đến chức năng thận của người bệnh nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài.
Cách xử trí: cần điều chỉnh liều lượng để hạn chế tình trạng tương tác thuốc hoặc theo dõi thường xuyên hơn nhằm sử dụng cả hai loại thuốc một cách an toàn. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương thận như buồn nôn, nôn, chán ăn, đi tiểu nhiều, tăng hoặc giảm cân đột ngột, cơ thể bị phù, khó thở, chuột rút cơ, mệt mỏi, suy nhược và nhịp tim không đều.
4. Thuốc trị tăng huyết áp và Spironolacton
Sử dụng đồng thời Spironolactone cùng với các Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEIs) hoặc Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) có thể làm tăng nồng độ Kali trong máu, triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, suy nhược, lú lẫn, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân, cảm giác nặng nề ở chân, mạch yếu hoặc nhịp tim chậm hoặc không đều. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận, tê liệt cơ, rối loạn nhịp tim và ngừng tim. Triệu chứng tương tác thuốc này sẽ xảy ra thường xuyên và trầm trọng hơn nếu bệnh nhân là người cao tuổi, mất nước hoặc suy thận, đái tháo đường, suy tim tiến triển.
Cách xử trí: Điều chỉnh liều lượng và theo dõi nồng độ Kali trong máu thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để sử dụng cả hai loại thuốc một cách an toàn.
5. Hội chứng Serotonin: Tương tác giữa thuốc điều trị trầm cảm với các thuốc khác
Hội chứng serotonin là một phản ứng liên quan đến thuốc, có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh do sự xuất hiện của quá nhiều Serotonin trong cơ thể. Triệu chứng bao gồm thay đổi trạng thái tinh thần như lo lắng, kích động và bồn chồn, dễ giật mình, mê sảng, thần kinh cơ hoạt động quá mức làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, … Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong.
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hội chứng Serotonin là do sự tương tác giữa nhóm thuốc điều trị trầm cảm: thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRI) hay Norepinephrine (SNRI) với Tramadol, Trazodone, Dextromethorphan, hoặc Linezolid.
Cách xử trí: Đổi thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
6. Statins và các chất ức chế CYP3A4
Statins là nhóm thuốc phổ biến trong điều trị rối loạn lipid máu hiện nay. Đi kèm với hiệu quả điều trị là tác dụng phụ gây tiêu cơ vân và tương tác cao với các thuốc ức chế CYP3A4 như thuốc kháng nấm nhóm Azole, Amiodarone, Macrolid (trừ Azithromycin), thuốc ức chế Protease (ví dụ Ritonavir) và thuốc chẹn kênh Calci (đặc biệt là Verapamil và Diltiazem). Các thuốc này sẽ làm tăng nồng độ Statin ở dạng hoạt tính trong huyết thanh, tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân nghiêm trọng.
Cách xử trí: Đổi sang Pitavastatin – 1 statin không bị chuyển hóa qua CYP3A4 hoặc tránh dùng 2 loại vào cùng 1 thời điểm nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra các tương tác thuốc
7. Warfarin và Paracetamol
Sử dụng Paracetamol cùng với Warfarin thường được coi là an toàn. Tuy nhiên, việc sử dụng liều Paracetamol cao hơn 1300 mg/ngày trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết, đặc biệt ở những người lớn tuổi, người uống rượu thường xuyên hoặc có chế độ dinh dưỡng kém. Khi người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như xuất hiện những vết bầm tím bất thường, chóng mặt, trạng thái lơ mơ, đi phân đỏ hoặc đen, ho và nôn ra máu tươi hoặc khô giống như bã cà phê, … cần đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để thực hiện những can thiệp kịp thời.
Cách xử trí: Không dùng phối hợp Wafarin và Paracetamol trong khoảng thời gian dài. Có thể cân nhắc đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc và theo dõi INR thường xuyên hơn để sử dụng cả hai loại thuốc một cách an toàn.
8. Hormone tuyến giáp và Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Môi trường Acid ở dạ dày giúp làm tăng hiệu quả hấp thu các hormone tuyến giáp đường uống. Do đó, việc dùng chung với Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể cản trở sự hấp thu hormon tuyến giáp, làm giảm tác dụng của thuốc và bệnh nhân có thể bị nhược giáp trở lại.
Cách xử trí: Tăng liều của Hormon tuyến giáp đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
Có rất nhiều cặp thuốc có thể xảy ra tương tác thuốc với nhau gây ra những tác dụng bất lợi cho người sử dụng. Chính vì vậy chúng ta cần kiểm soát tốt các loại thuốc đưa vào cơ thể, tránh sử dụng các cặp tương tác gây tác dụng nguy hiểm cùng nhau.
Nguồn: