GPP 2023 – Sơ đồ nhà thuốc đạt chuẩn
Sắp xếp thuốc trong nhà thuốc không chỉ giúp cơ sở thuận tiện trong quá trình kiểm duyệt tiêu chuẩn GPP mà còn giúp việc tìm kiếm, quản lý, kê đơn thuốc trở nên nhanh chóng và khoa học hơn. Chính vì vậy, việc tuân thủ GPP là yêu cầu bắt buộc. Để hiểu hơn về GPP và các yếu tố cần thiết để đạt tiêu chuẩn này, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết sau đây.
GPP là gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 2 Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định về GPP như sau: GPP là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Good Pharmacy Practices”, nghĩa là “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc”, là hệ thống các chuẩn mực, nguyên tắc về đạo đức và chuyên môn trong kinh doanh được đưa vào áp dụng tại các cơ sở bán lẻ thuốc và sau này hình thành mô hình nhà thuốc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn GPP mà Bộ Y tế yêu cầu, đảm bảo chất lượng và dịch vụ cho người dân.
Tầm quan trọng của việc sắp xếp thuốc trong nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP
Việc sắp xếp các sản phẩm dược một cách hệ thống và khoa học sẽ mang lại rất nhiều lợi ích đi kèm như:
- Tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa hiệu suất làm việc
- Hạn chế các sai sót, nhầm lẫn thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có tên hoặc mẫu mã bao bì giống nhau.
- Dễ dàng quản lý, cập nhật số lượng, chất lượng hàng hoá để kịp thời bổ sung
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, đánh giá mức độ tiêu thụ của sản phẩm, từ đó đưa ra mức dự trù hàng hoá phù hợp
- Đảm bảo tư vấn đúng và cung cấp nguồn thuốc chất lượng mà bệnh nhân cần
Các tiêu chuẩn hiện nay
Tại Phụ lục I – Ia ban hành kèm theo Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn GPP đối với nhà thuốc, sơ lược như sau:
Cơ sở vật chất, kỹ thuật:
- Diện tích tối thiểu của nhà thuốc là 10m vuông, có đủ giá, kệ đáp ứng được các nguyên tắc sắp xếp thuốc theo quy định.
- Địa điểm cố định, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm
- Xây dựng chắc chắn, có trần chống bụi, tường và nền nhà dễ làm vệ sinh, đủ ánh sáng cho các hoạt động và tránh nhầm lẫn, không để thuốc bị tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời.
- Cần đáp ứng các thiết bị hỗ trợ bảo quản thuốc như nhiệt kế, tủ lạnh… theo yêu cầu, được hiệu chuẩn định kỳ
- Có kho hoặc tủ bảo quản thuốc (nếu cần) theo điều kiện bảo quản thuốc từ NSX
Nhân sự
- Người phụ trách chuyên môn có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược, phải có Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định hiện hành.
- Nguồn nhân lực thích hợp (số lượng, bằng cấp, kinh nghiệm nghề nghiệp) để đáp ứng quy mô hoạt động.
- Nhân viên trực tiếp tham gia bán thuốc, giao nhận, bảo quản thuốc, quản lý chất lượng thuốc, pha chế thuốc phải có bằng cấp chuyên môn và có thời gian thực hành nghề nghiệp phù hợp với công việc được giao
- Nhân viên phải được đào tạo ban đầu và cập nhật về tiêu chuẩn Thực hành tốt bán lẻ thuốc.
Hồ sơ, sổ sách và tài liệu chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc:
- Có tài liệu hoặc có phương tiện tra cứu các tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc cập nhật, các quy chế dược hiện hành, các thông báo có liên quan của cơ quan quản lý dược, thông tin sổ sách về bệnh nhân để dễ dàng tra cứu và sử dụng khi cần
- Phải có sổ sách hoặc máy tính để quản lý việc nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và các thông tin khác có liên quan, bao gồm: Thông tin thuốc, nguồn gốc, cơ sở vận chuyển, số lượng nhập, bán, tồn của từng loại thuốc, điều kiện bảo quản, người mua và các thông tin theo pháp luật cho từng loại đơn thuốc
- Phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
- Có cơ chế chuyển thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
- Hồ sơ hoặc sổ sách phải được lưu trữ ít nhất 1 năm kể từ khi hết hạn dùng của thuốc.
- Xây dựng các quy trình theo quy định
Và đó là những tóm lược về tiêu chuẩn nhà thuốc GPP. Những tiêu chuẩn này đều được ghi chú rõ ràng tại thông tư Bộ Y tế ban hành.
Sơ đồ nhà thuốc ĐẠT CHUẨN GPP
Do quy mô của mỗi nhà thuốc khác nhau và cách bố trí quầy kệ cũng không tương đồng mà sơ đồ mô hình nhà thuốc GPP đạt chuẩn tại mỗi cửa hàng cũng có sự khác nhau nhất định nhưng vẫn cần đảm bảo các quy tắc và tiêu chuẩn chung của một nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
Mô hình nhà thuốc GPP phải có khu vực kho chứa hàng, bồn rửa tay cho khách. Các tủ thuốc kê đơn, thuốc OTC phải đặt ở vị trí thuận tiện nhất với dược sĩ. Việc sắp xếp quầy kệ phải thỏa mãn được các nguyên tắc như sau:
- Nguyên tắc sắp xếp thuốc theo từng loại riêng lẻ: Chia nhỏ quầy kệ và sắp xếp theo từng loại thuốc.
- Nguyên tắc bảo quản thuốc: Mỗi loại thuốc đều có cách bảo quản khác nhau. Vì vậy dược sĩ cần phân loại để sắp xếp theo từng khu vực. Ví dụ như những loại thuốc cần bảo quản ở nhiệt độ thấp thì phải cất trong tủ lạnh.
- Nguyên tắc bán thuốc đúng chuyên môn: Đối với các loại thuốc đặc biệt như thuốc độc, thuốc có chứa chất gây nghiện cần được bảo quản ở tủ riêng, có khóa.
- Nguyên tắc “dễ nhìn, dễ thấy, dễ kiểm tra”: Khi sắp xếp thuốc theo nguyên tắc này, dược sĩ sẽ tiết kiệm thời gian tìm thuốc, nâng cao chất lượng phục vụ và thẩm mỹ của nhà thuốc
- Nguyên tắc FEFO và FIFO: FEFO là nguyên tắc sắp xếp thuốc có thời gian sử dụng lâu ở bên trọng, ngắn ở bên ngoài. Còn FIFO là nguyên tắc sắp xếp thuốc ưu tiên hàng nhập trước để trước bán trước. Nguyên tắc này giúp dược sĩ đảm bảo kiểm soát được thời hạn sử dụng thuốc cũng như không còn hàng tồn cũ trong cửa hàng.
- Nguyên tắc sắp xếp tài liệu: Trong nhà thuốc có rất nhiều tài liệu, giấy tờ về thuốc. Vì vậy dược sĩ cũng cần nắm được cách sắp xếp giấy tờ, văn phòng phẩm phục vụ việc bán thuốc sao cho quầy thuốc luôn sạch đẹp, vệ sinh.
Và đó là một số thông tin nhà thuốc cần biết để xây dựng cơ sở theo đúng tiêu chuẩn được quy đinh. Để cập nhật các kiến thức chuyên môn về Dược, xem tại đây.