Chế độ ăn lành mạnh hạn chế ung thư
Một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp không những giúp cơ thể khoẻ mạnh mà còn tránh được căn bệnh ung thư tiềm ẩn, đe doạ tính mạng. Vậy ăn uống như thế nào là hợp lý? Cùng thuocsi.vn đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
I. Mối liên hệ giữa thức ăn và ung thư
Thức ăn là nguồn dinh dưỡng chính nuôi sống các tế bào, đảm bảo cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động bình thường. Chính vì vậy, thức ăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đồng thời cũng là tác nhân tiềm ẩn gây nên ung thư.
II. Chế độ ăn hạn chế ung thư
Chất lượng cuộc sống nâng cao, thực phẩm ngày càng đa dạng, con người có nhiều lựa chọn hơn trong chế độ ăn uống hằng ngày. Việc lựa chọn thực phẩm nào, ăn bao nhiêu, chế biến như thế nào, là chìa khoá vàng để phòng tránh ung thư.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm chứa rất nhiều chất xơ, cùng các loại Vitamin A,B,E, sắt, phospho, selen,… giúp tăng cường chức năng tiêu hoá, giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch và các bệnh ung thư
Ngũ cốc nguyên hạt cũng là thực phẩm lý tưởng trong thực đơn ăn uống lành mạnh, giảm lượng cholesteron xấu, tăng cholesteron tốt, tạo cảm giác no lâu giúp duy trì cân nặng.
Ăn nhiều rau, củ, quả
Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều trái cây, rau, củ làm giảm nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thanh quản và phổi. Trong trái cây có chứa các hoạt chất như: carotenoid, folate, vitamin C, vitamin E, selen, flavonoid, phytochemical,… có khả năng kháng ung thư. Chất xơ cũng làm giảm nguy cơ ung thư ruột.
Những thực phẩm tốt nên tăng cường sử dụng như cà chua, súp lơ xanh, các loại rau lá xanh sẫm, nho, nam việt quất, cà rốt, bắp cải, tỏi, hành, nho, việt quất, ớt, các sản phẩm đậu nành như đậu phụ. Trà xanh cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa, vì thế thay vì uống trà đen, hãy uống 3 cốc trà xanh mỗi ngày.
Lựa chọn chất béo một cách thông minh
Các chất béo no hoặc chất béo dạng trans có trong bơ, trứng, sữa nguyên kem, thức ăn nhanh (pizza, gà rán,…),… gây hại cho sức khoẻ. Thay vào đó, hãy lựa chọn nguồn chất béo không no như hạt óc chó, hạnh nhân, olive,… những nguồn acid béo omega – 3 phong phú như cá hồi, cá ngừ, hạt lanh,…
Có thể thay thế thay thế các món chiên, xào bằng hấp hoặc luộc cũng là cách giảm đi lượng chất béo xấu nạp vào cơ thể.
Nạp đạm tốt vào cơ thể
Đạm “tốt” thường có trong thịt trắng (thịt gà,…), hải sản (cá, tôm,…). Tránh ăn thịt đỏ (heo, bò, dê,…) cũng làm giảm nguy cơ ung thư vì trong quá trình chế biến, thịt đỏ có thể sinh ra các chất béo xấu và các chất phá huỷ tế bào, là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư. Theo nghiên cứu của Học viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, không nên tiêu thụ quá 510g thịt đỏ mỗi tuần và nên tránh các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói,…
Uống nhiều nước
Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường đào thải các chất độc trong cơ thể, đồng thời hạn chế sử dụng đồ uống có đường như cola, nước ép trái cây vì chúng làm tăng tình trạng viêm và nguy cơ phát triển ung thư.
Sơ chế thực phẩm đúng cách
Rửa sạch rau, củ, trái cây bằng cách ngâm muối hoặc dùng các dung dịch rửa chuyên dụng để loại bỏ lượng dư thuốc trừ sâu. Luộc rau với ít nước và tăng cường ăn sống để hấp thu lượng lớn chất dinh dưỡng.
Tránh ăn các thực phẩm ôi thiu, đồ hộp
Trong thực phẩm ôi thiu có chứa aflatoxin – một chất có khả năng gây ung thư cực kỳ cao. Các thực phẩm đóng hộp chứa một lượng chất bảo quản nhất định, một vài loại thực phẩm chứa lượng lớn gia vị nêm sẵn cũng là các chất tạo điều kiện phát triển ung thư.
Bên cạnh ăn uống lành mạnh cần kết hợp tập luyện thể dục mỗi ngày để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh. Quan tâm toàn diện đến sức khoẻ thể chất và tinh thần là liều thuốc tốt nhất phòng ngừa ung thư.